Bảo vệ, Phục hồi &Tái hoà nhập

Tham vấn, Quản lý ca, Quản lý trung tâm, Hướng dẫn phỏng vấn....sắp tới Trị liệu...

Tham vấn, Quản lý ca, Quản lý trung tâm, Hướng dẫn phỏng vấn....sắp tới Trị liệu...

Tuesday, May 25, 2010

Cái gì là trọng tâm của quản lý ?

Trong mấy thập niên qua, tư duy của người Việt ta, nói chung, rất khác nhau về quản l‎ý chiến tranh và quản lý hòa bình.

Khi có chiến tranh ta tập trung vào chỉ một điểm “Con người Việt Nam quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng chết cho tổ quốc”.  Ta nói đến Thánh Gióng, một đứa bé lên ba, xung trận, gẫy kiếm sắt thì nhổ tre đánh giặc.  Ta nói đến Hai Bà Trưng,  nhi nữ anh hùng, thà chết không hàng.  Ta nói đến Hội Nghị Diên Hồng với các bô lão: “Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?  Hy sinh!”  Đó là quản lý tập trung vào một điều duy nhất—cái tâm quyết thắng của con người.

Vào thời bình thì ta thấy quản lý‎ của ta tập trung vào vô số điều—chủ nghĩa chính trị, ngoại đạo/nội đạo, dầu hỏa,  tiền (viện trợ hay vay mượn quốc tế), đầu tư nước ngoài…   Nói chung là ta “tập trung” tư tưởng vào đủ mọi thứ, cho nên tư tưởng chẳng tập trung tí nào.
Khác biệt trong quản lý chiến tranh và quản lý hòa bình của ta rất rõ và kết quả cũng rất rõ:  Chúng ta là vô địch thế giới trong chiến tranh, nhưng về quản l‎ý hòa bình có lẽ đa số chúng ta đều cảm thấy cà xịch cà đụi—tư tưởng tản mạn như bị bồ đá, thất hồn thất vía, lơ ngơ láo ngáo.
Dĩ nhiên, ta cần công tâm để nhận thấy rằng trong hơn một thập niên rưỡi nay, Việt Nam phát triển kinh tế một mạch không ngừng với tỉ lệ phát triển cao có hạng trên thế giới.  Tức là dù cà xịch cà đụi nhưng vẫn cao, và dù cao nhưng vẫn cà xịch cà đụi.
Chúng ta loay hoay với rất nhiều vấn đề: giáo dục, phát triển nông thôn, trong sạch hóa guồng máy, nâng cao công bình, giảm thiểu bất công, an sinh xã hội cho người nghèo và người lớn tuổi, phát triển kinh tế đồng bộ, phát triển hạ tầng cơ sở, phát triển xã hội và văn hóa của các dân tộc thiểu số anh em, đại đoàn kết dân tộc, liên hệ với các quốc gia nhất là các quốc gia có tranh chấp với ta…
Và nếu ta đọc báo chí hàng ngày, ta có thể cảm thấy một luồng gió lo âu áy náy bức xúc thổi thường trực trên quê hương.
Các bạn sinh ra sau thời chiến tranh có lẽ là khó cảm nhận điều này, nhưng các vị đã biết một tí mùi của thời chiến tranh đương nhiên phải thấy rất rõ sự khác biệt trong quản lý cũng như trong tâm thức nhân dân.  Sự khác biệt đó đương nhiên là do khác biệt về trọng tâm của quản lý:  Trong thời chiến, trọng tâm của quản l‎ý là cái tâm của con người; trong thời bình, trọng tâm của quản lý nằm ở đủ mọi nơi ngoài tâm con người, tức là chẳng nằm ở đâu cả.
Nhưng chúng ta phải nhìn lại vấn đề quản lý đất nước một cách rất nghiêm chỉnh, vì thế giới sắp sửa đi vào một giai đoạn phát triển nhanh khác.  Giai đoạn suy thoái hiện thời là giai đoạn điều chỉnh các bất quân bình trong nền kinh tế thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia tiền tiến.  Khi các điều chỉnh đã xong, khoảng một vài năm nữa, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục bùng nổ với cuộc cách mạng thông tin đang tạm thời bị gián đoạn, và năng lực của cuộc cách mạnh thông tin, đang bị đè nén vì khủng hoảng, sẽ bùng nổ.  Tức là, thế giới sẽ có những chuyển biến rất nhanh về kỹ thuật và kinh tế.  Và những quốc gia đang mở mang như Việt Nam sẽ phải rất mệt mỏi để chạy theo, trừ khi chúng ta có chuẩn bị và thông minh đủ để “đứng trong cuộc chơi.”
Thế thì chúng ta phải làm gì để quản l‎ý bây giờ?
Câu trả lời rất hiển nhiên:  “Đặt trọng tâm quản lý đất nước vào con người.”
Chẳng có nơi nào khác ngoài con người để đặt trọng tâm.  Dầu hỏa thì cũng con người quản lý, đầu tư nước ngoài cũng do con người quản lý‎‎, luật cũng do con người quản lý, doanh nghiệp cũng do con người quản lý, IT cũng do con người quản lý…  Vậy thì, nếu con người không là trọng tâm của chính sách quản lý‎ đất nước, thì cái gì là trọng tâm?
Và con người thế nào? 
Công minh, liêm chính, yêu người  nghèo, yêu người áp bức, yêu nước hơn yêu mình, thấy rất sâu và  rất xa các vấn đề kinh tế xã hội, thấy toàn cảnh quốc ta và toàn cảnh thế giới.
Chúng ta đang làm gì để đào tạo những thế hệ Việt Nam như thế?
Chúc các bạn một ngày vui.
Mến,
Hoành
© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Tuesday, April 6, 2010

Chinh phục lòng người

Có lẽ các bạn đều biết đến quyển How to Win Friends and Influence People của Dale Carnegie, mà ở Việt Nam dịch là Đắc Nhân Tâm—Làm thế nào để có nhiều bạn và ảnh hưởng được người khác. Đây đương nhiên là một quyển sách tốt về giao dịch, và chúng ta nên đọc nó để giỏi cách giao dịch.

Nhưng có một điều căn bản các bạn cần chú ý để hiểu giới hạn của các quyển sách loại đắc nhân tâm là: Đó là những quyển sách dạy chúng ta lấy lòng mọi người. Lòng mọi người là mục tiêu để nắm lấy của ta. Tốt cho chính trị gia muốn có nhiều phiếu hay doanh nhân muốn có nhiều khách hàng. Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu rằng nếu cả đời ta chỉ chạy theo mục tiêu làm vừa lòng người khác thì có thể là ta sẽ như con choi choi cả đời chạy theo hàng triệu quả tim khác nhau, cố làm cho mọi người vừa lòng, và có thể là ta chẳng giữ được điều gì gọi là nguyên lý hay chân lý của riêng ta để mà nắm giữ.
Các quyển sách về đắc nhân tâm tốt khi ta muốn học cách để chinh phục lòng người, vì thông thường là ta muốn mọi người cùng vui vẻ và thích nghe điều ta nói. Nhưng nếu các bạn dùng chinh phục lòng người làm mục tiêu sống thì hỏng.
Sẽ có những lúc bạn phải phạt người học trò dù rằng hắn sẽ ghét thêm bạn chứ chẳng được gì. Có những lúc bạn cần nói thẳng với mọi người trong xóm “Xả rác thế này là sai. Chúng ta phải làm sạch đường phố” dù rằng có thể ¾ người trong xóm sẽ chế giễu bạn vì thế. Có những lúc ta phải nói với nhà nước là “Độc đoán thế này là sai” dù rằng sau đó toàn hệ thống thông tin tuyên truyền sẽ biến bạn thành chúa quỷ 3 đầu, 6 tay, 12 răng nanh với quần chúng.
Vì thế các vị thầy lớn của thế giới, và các truyền thống tâm linh lớn, chẳng ai dạy lấy lòng người khác cả, mà chỉ dạy ta lấy chính tâm ta mà thôi. Tâm ta là tâm hay đi lạc, hay nhảy choi choi, hay điên rồ, hay mù quáng, hay si mê… cho nên ta phải quản lý tâm ta, phải bỏ được màn si mê, tìm lại được tâm nguyên thủy tĩnh lặng trong sáng của mình.

Dĩ nhiên là thông thường thì nếu ta quản l‎ý tâm ta tốt, ta trở thành thành thật và nhân ái, và đo đó có nhiều người tự nhiên thương ta, tức là ta đắc nhân tâm một cách tự nhiên. Nhưng đắc nhân tâm trong trường hợp này là hậu quả chứ không phải mục tiêu. Và thực ra, như ta thấy trong các câu chuyện về các thiền sư, đôi khi ta thấy cần nói thật nói thẳng thì nói thật nói thẳng, dù rằng sau đó thì có thể chẳng đắc được tâm nào cả.
Khi Thiền tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ mới sang Trung quốc, gặp Lương Vũ Đế, nhà vua hỏi: “Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, nuôi tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?” Bồ Đề Đạt Ma nói là đó chỉ là công đức nhỏ, chẳng được gì cả. Công đức thật sự phải là: “Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, nuôi tăng) mà cầu được.” Nhà vua không vui. Bồ Đề Đạt Ma không truyền pháp cho vua được nên đến chùa Thiếu Lâm ngồi nhìn vách tường 9 năm.
Nếu chúng ta hiểu được chính tâm của ta luôn nhảy dựng như khỉ, cực kỳ khó để kiểm soát, thì ta sẽ hiểu được hai điều chính: (1) Đắc tâm ta là chuyện phải làm cả đời. Và (3) tâm người khác thì ta không thể đắc được. Chẳng ai có thể nắm giữ tâm ai được.
Vì thế các chân sư thường hay kết thúc các lời dạy của mình: “Ai có tai thì nghe” hoặc “Ai muốn nghe thì nghe.” Ta chỉ nói điều gì, làm điều gì, tâm ta thấy là nên nói, nên làm. Nghe hay không là chuyện của người khác. Họ phải tự đắc tâm của họ. Không ai đắc tâm ai được.
Chúc các bạn một ngày vui.
Mến,
Hoành
© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Kỹ năng viết trong giao tiếp

Viết là một hình thức cơ bản của giao tiếp. Trong 4 kĩ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết, ai cũng phải thừa nhận kĩ năng viết là khó nhất. Thực ra viết có khó đến thế không nhỉ?
Có lẽ khi chúng ta nói viết khó là muốn ám chỉ tới lối viết chuyên nghiệp hoặc có tính học thuật nhưng không phải ai khi mới bắt đầu cầm cây bút viết cũng đều nhằm mục đích đó. Bạn có thể viết vì nhiều lí do: viết nhật kí để tự nói chuyện với mình, viết thư để chia sẻ với người thân, viết văn để biểu lộ cảm xúc, viết bình luận trên forum vv…
Có người cho rằng viết lách dù chỉ là viết một đoạn văn ngắn chia sẻ cảm xúc thôi là một kĩ năng trời phú, ví như nhà thơ thì sinh ra đã làm được thơ, nhà văn sinh ra đã có thể tả một bông hoa dài cả chục trang giấy. Còn tôi? Văn chương là thứ tôi dốt nhất. Cả đời chưa bao giờ viết nổi một bài văn lấy điểm 8, nửa câu thơ bẻ đôi không có, làm sao mà viết được cái gì cho gọn gẽ trừ mấy dòng chat chit và bình luận ngắn trên các forum?
Viết thực ra chẳng là cái gì cao siêu. Cũng giống như mọi kĩ năng khác, bạn hoàn toàn có thể viết cho nhiều mục đích, và cùng rèn luyện kĩ năng này để ngày càng hoàn thiện hơn.
1. Viết là một cách để xả stress

Đó là lí do vì sao nhiều người hay viết nhật ký. Viết là một cách để chúng ta bày tỏ cảm xúc mà không làm ảnh hưởng đến những người khác. Hôm nay có điều gì khiến bạn tức giận, hay thấy âu lo, nhưng bạn không muốn nói ra để làm tổn thương ai vì thế bạn tìm đến trang giấy và nguệch ngoạc ra những lời tâm sự. Nỗi tức giận hay lo lắng bỗng chốc tan biến, và bạn sẽ thấy hiểu rõ hơn nguyên nhân của chúng trước khi bạn thực sự nói ra với ai đó.
Quá trình viết đã giúp bạn có thêm thời gian để bình tâm và suy nghĩ mọi việc chín chắn hơn.
2. Viết là để nhìn lại mình
Khi tranh luận một chủ đề nào đó việc viết trả lời thay vì chỉ nghĩ trong đầu sẽ giúp bạn nhìn nhận lại vấn đề rõ ràng hơn rất nhiều. Trước hết là trong quá trình viết não của bạn buộc phải tư duy nhiều hơn để lựa chọn những từ ngữ cho thích hợp và diễn đạt sao cho đúng ý bạn muốn nói. Có khi bạn phải viết đi viết lại vài lần mới xong. “Bút sa ga chết” :) , nếu bạn không muốn mình bị “ném đá” nhiều thì lại càng phải cẩn trọng trong câu chữ để tránh hiểu lầm. Và quá trình viết đi viết lại là quá trình bạn lật đi lật lại một vấn đề rất nhiều lần. Khi bạn có một câu trả lời tốt nghĩa là bạn đã rất hiểu vấn đề đó rồi.
Các bạn sinh viên khi nộp hồ sơ du học thường hay phải viết một bài luận khoảng 500-1500 chữ nói về mục đích học tập của mình. Đây là phần khó nhất trong bộ hồ sơ xin học và khiến ai cũng cảm thấy nản. Nhưng có một điều là sau khi viết xong bài luận này, các bạn cũng phải công nhận là dù mất nhiều thời gian và chật vật với nó, họ đã học được nhiều thứ, nhất là thấy hiểu bản thân mình hơn, xác định các mục tiêu trong cuộc sống rõ ràng hơn, và vì thế mà thấy tự tin hơn với lựa chọn học tập của mình.
3. Viết là để nhận
Ngoài những mục đích trên, viết còn là cách tốt nhất để “giải phóng” kiến thức của mình và tiếp nhận thêm những kiến thức mới.
Mỗi khi có một câu hỏi trong đầu mà chưa trả lời được, bạn sẽ luôn suy nghĩ về nó. Nếu không chia sẻ với ai bạn sẽ cảm thấy đầu óc thật bức bối khó chịu. Quá trình tiếp thu kiến thức cũng tương tự như thế. Khi bạn càng biết nhiều thì lượng kiến thức trong đầu sẽ ngày càng dày lên và có hàng loạt những câu hỏi cần phải trả lời. Chia sẻ với mọi người thông qua viết là cách để bạn khơi thông chúng tốt nhất. Và vì thế không chờ cho đến khi bạn muốn chia sẻ hay bạn có cảm xúc thì mới viết, hãy coi viết là một thói quen hằng ngày để bạn làm “trong” bộ não của mình và luôn sẵn sàng để tiếp nhận các kiến thức và ý tưởng mới mỗi ngày.
Làm thế nào để viết tốt?
Câu trả lời thật đơn giản: “Hãy thực hành mỗi ngày”.
Đừng bao giờ chờ cho cảm xúc đến, vì viết không phải là làm thơ, viết là chia sẻ. Hãy tưởng tượng như có một người bạn đang ngồi trước mặt và bạn kể chuyện cho họ nghe. Bạn có thể bắt đầu như thế này, “Buổi sáng hôm nay trên đường đi làm mình gặp một cụ già trông tội nghiệp lắm…”. Để dòng suy nghĩ chảy tự do và tay bạn chỉ làm nhiệm vụ chép lại chúng xuống giấy. Đừng bao giờ lo lắng về trình độ viết của mình và đặt mục tiêu phải hoàn hảo ngay ngay từ những câu chữ ban đầu. Cách đặt câu ngắt đoạn là kĩ thuật giúp bài viết hay hơn nhưng sự chân thành của người viết mới là yếu tố quyết định bài viết đó có hấp dẫn hay không.
Biên tập là công đoạn cuối cùng trước khi bạn đưa bài viết ra công chúng. Bạn đọc lại toàn bộ bài viết, bỏ đi những từ thừa, sắp xếp ý cho rõ ràng và có thể nhờ một người có kinh nghiệm cho nhận xét lần cuối.
Nếu như bạn thực hành viết mỗi ngày thì quá trình biên tập này sẽ ngày càng rút ngắn và bạn hoàn toàn có thể viết ra chính xác và rõ ràng những gì mình suy nghĩ.
Chúc bạn một ngày viết thành công nhé :) .
Hoàng Khánh Hòa

Thursday, April 1, 2010

Động cơ của nạn buôn người

Để ngăn chặn nạn buôn người và giúp nạn nhân, cần có những hiểu biết về tính dễ bị tổn thương và giới tính. Các nỗ lực chống nạn buôn người và hỗ trợ nạn nhân đã được thiết kế với các giả định sau:
  • Phụ nữ và trẻ em là những nạn nhân dễ bị tổn thương và thụ động trong các vụ buôn người
  • Nam giới là nạn nhân tự nguyện (hay chủ động) - họ biết trước về các rủi ro, là người đưa ra lựa chọn hợp lý và là người quyết định di cư.
  • Các thành kiến về giới đã khiến người đàn ông không được coi là nạn nhân dễ bị tổn thương và không cho họ nhận danh hiệu “nạn nhân” trong các vụ buôn người.
Các nhân tố đẩy
-nghèo đói
-nợ nần
-mất đất đai
-Bất ổn dân sự/xung đột vũ trang
-Bất ổn chính trị
-Thiên tai
-Thiếu cơ hội việc làm
-Thiếu hoặc không được giáo dục
-Đông con
-Tan vỡ hoặc bạo lực gia đình
-Phân biệt đối xử hoặc bạo hành đối với phụ nữ
-Bạo lực đối với trẻ em
- Các nhân tố thuận lợi
-Các mạng lưới xã hội
-Lịch sử di cư trong vùng
-Chấp nhận di cư trẻ em, phụ nữ và nam giới trong cộng đồng
-Gần khu vực thành thị hoặc biên giới
-Thiếu hiểu biết về nơi đến và điều kiện làm việc
-Tội phạm có tổ chức
-Chính phủ tham nhũng
-Truyền thống nuôi dạy trẻ em
-Các nhân tố kéo 
Nhu cầu lao động
-Các thông lệ tuyển dụng
-Hiểu sai về công việc sẽ làm
-Ảo tưởng kiếm tiền dễ dàng
-Theo gương và sự khích lệ của những đối tượng khác
-Bị mê hoặc bởi lối sống đô thị và khao khát độc lập
-Cơ hội có thêm thu nhập để giúp đỡ gia đình
-Muốn có mức sống cao hơn ở một nơi nào đó

Thuật ngữ trong BBN

Buôn người - sự vận chuyển, cố gắng vận chuyển hoặc chuyển người trái phép qua các đường biên giới quốc tế, vi phạm luật pháp của một hay nhiều quốc gia, bằng cách lừa bịp, vận chuyển bí mật hoặc gian lận giấy tờ. Hành vi buôn người thường xảy ra với sự đồng ý của nạn nhân – là những người đã trả tiền và thường bị bỏ rơi để tự xoay sở khi họ đã đến được nơi định đến
Buôn người - một hình thức nô lệ hiện đại liên quan đến hiện tượng bóc lột con người thông qua cưỡng chế bằng sức mạnh, áp bức, đe doạ, lừa gạt, vi phạm nhân quyền, giao kèo nợ, tước quyền tự do, thiếu quyền kiểm soát sự tự do và sức lao động của bản thân.
Buôn bán người vì mục đích tình dục - tuyển mộ, chứa chấp, vận chuyển, cung cấp, sử dụng một người vì mục đích thực hiện hành vi mua bán tình dục.
Buôn bán lao động - sử dụng lao động, gian lận, ép buộc tuyển dụng, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng hoặc thuê một người để lao động hoặc phục vụ theo hình thức cưỡng bức lao động, giao kèo nợ hay nô lệ.
Ép buộc – a) đe doạ nghiêm trọng hoặc ràng buộc thân thể của một ai đó; b) bất kỳ hình thức nào khiến các nạn nhân tin rằng nếu họ không chịu thực hiện một hành vi nào đó thì họ sẽ phải chịu những tổn thất ghê gớm hoặc những ràng buộc về thân thể; hay c) lạm dụng hoặc đe doạ lạm dụng quy trình pháp lý.
Phục vụ ngoài ý muốn – một tình trạng phục vụ là kết quả của a) bất kỳ hình thức nào khiến một người tin rằng nếu họ không chịu thực hiện những điều kiện ấy, họ hoặc những người khác sẽ phải chịu những tổn thất nghiêm trọng hoặc những ràng buộc về thân thể; hay b) bị lạm dụng hoặc đe doạ lạm dụng quy trình pháp lý.
Lao động cưỡng bức - sử dụng, đe doạ cưỡng bức hoặc ràng buộc thân thể nhằm buộc người lao động phải tiếp tục lao động hoặc phục vụ
Giao kèo nợ - Một người tham gia giao kèo nợ khi sức lao động của họ được dùng làm công cụ trả nợ hoặc để trả một món tiền ứng trước. Người ta thường bị bóc lột lao động mà không được trả lương hoặc được trả một khoản lương rất ít ỏi (để còn trả nợ). Họ buộc phải lao động trong những điều kiện vi phạm nhân quyền. Giá trị lao động của các nạn nhân luôn lớn hơn giá trị món tiền mà họ đã vay hoặc đã được ứng trước.
Các hình thức tồi tệ nhất của lao động trẻ em – a) tất cả các hình thức nô lệ hoặc các hình thức giống như nô lệ, ví dụ như vận chuyển và buôn bán trẻ em, giao kèo nợ, tuyển dụng bắt buộc, tuyển dụng cưỡng bức trẻ em để sử dụng trong các cuộc xung đột vũ trang; b) sử dụng, tàng trữ hoặc cung cấp trẻ em cho mục đích tình dục, mục đích khiêu dâm; c) sử dụng, tàng trữ hoặc cung cấp trẻ em cho những hoạt động phi pháp, đặc biệt là để sản xuất và buôn lậu ma tuý; d) buộc trẻ em làm việc trong những điều kiện tổn hại đến sức khoẻ, sự an toàn và tinh thần của trẻ nhỏ.

Lắng Nghe bản thân

Một trong những lầm lỗi mà một số các vị thầy về tư duy tích cực hay thầy về tĩnh lặng (ngay cả một vài thiền sư) gặp thường nhất là tĩnh lặng đúng, buồn đúng, nổi nóng đúng… Nói chung là làm gì đúng thì không sao, sai mới là vấn đề. Ví du, mình ăn nói hồ đồ, có người phê phán đúng, vậy mình không nên nổi giận với người phê phán đúng. Nhưng mình không ăn trộm, tự nhiên có người nói là mình dùng tiền của chùa đi mua xe hơi riêng, nếu mình nổi giận với người này và đưa họ ra tòa, thì đó là chuyện tự nhiên hợp lý.

Đúng là bạn có quyền nổi giận và đưa người đó ra tòa trong trường hợp đó, và đa số mọi người trên thế giới đều sẽ làm thế, và đồng ý ‎ rằng làm thế là đúng.
Dĩ nhiên là đúng.
Nhưng, đó không phải là công phu tu duy tích cực, đó không phải là nội lực tĩnh lặng.
Nếu đa số mọi người trên thế giới làm thế, và bạn cũng làm thế, thì quá dễ. Việc gì bạn phải đọc và thực tập tĩnh lặng hàng ngày để làm gì? Nếu ta “học” lâu năm mà vẫn làm việc như đa số người trên thế giới chẳng học tí nào, thì tại sao phải tốn công học làm gì?
“Công phu” là làm điều mà đa số không làm được, không làm nổi. Sư phụ là vậy đó.
Công phu tĩnh lặng là tĩnh lặng vô điều kiện.
Hắn chửi mình có lý, mình tĩnh lặng. Hắn chửi mình vô lý, mình tĩnh lặng. Hắn chửi mình công bình, mình tĩnh lặng. Hắn chửi mình bất công, mình tĩnh lặng.
Luôn luôn tĩnh lặng trong tất cả mọi trường hợp, mọi tình huống, đó mới là công phu tĩnh lặng.
Tĩnh lặng vô điều kiện.
Điều này chúng ta cần nắm thật vững, vì chỉ cần quan sát các vị thầy một tí–từ các vị thầy chuyên về tư duy tích cực đến các thầy tu của các tôn giáo—là ta có thể thấy ngay là nhiều vị thầy tu tập nhiều năm vẫn có thể hiểu sai điểm này. Xin đọc lại Vậy À của Hakuin để ta hiểu tĩnh lặng vô điều kiên là gì.
Cho nên khi bạn có một người mạ lỵ bạn bất công, chẳng hạn, đừng nổi nóng và nghĩ cách đối phó ngay. Việc đầu tiên là nói với chính mình câu này: “Mạ lỵ đúng hay sai là việc của hắn. Việc của tôi là tĩnh lặng dù hắn mạ lỵ đúng hay sai.”
Sau khi bạn đã thật sự tĩnh lặng, tức là thấy trong lòng mình không buồn, không giận, không tức tối, và lại thấy thương anh chàng mạ lỵ mình vì “tội nghiệp, hắn còn ngập lặn trong bể u minh”, thì lúc đó bạn mới nên nghĩ đến việc phải làm gì với anh chàng. Có thể là chẳng phải làm gì cả, cứ lặng yên như chẳng gì xảy ra; nhưng cũng có thể vì công ích xã hội nên đưa hắn ra tòa, để mai mốt hắn không làm hại xã hội nữa.
Cứ làm điều gi mình nghĩ là cần làm. Nhưng trước đó, phải biết chắc là tâm mình tĩnh lặng.
Nhưng làm sao ta biết tâm ta tĩnh lặng?

Thưa rất dễ. Nếu có người mạ lỵ mình, chẳng hạn, mà (1) mình không giận, không ghét… ngược lại (2) cảm thấy rất thương và tội nghiệp người đó đang đắm chìm trong u minh như vậy, hai điều này chính là dấu hiệu rõ ràng của một con tim tĩnh lặng.
Sự vắng bóng của hởn giận và sự có mặt của lòng nhân ái là bằng chứng duy nhất của tâm tĩnh lặng. Chưa cảm được lòng nhân ái đó trong tâm bạn (không phải trong miệng bạn) thì tâm bạn vẫn chưa tĩnh lặng.
Nhịn nhưng trong lòng ấm ức, giận dỗi, là im lặng, nhưng chưa tĩnh lặng. Nhịn mà ấm ức có thể có hại cho sức khỏe của bạn vì stress và trầm cảm. Nhưng tĩnh lặng là chẳng có xung động, tức tối, ấm ức gì cả. Con tim vẫn tỉnh thức, an lạc.
Kiêu căng, hờn giận, ghen ghét, dối trá, nghi kỵ… tất cả đều là xung động, không tĩnh lặng.
(Một lúc nào đó ta có thể mất tĩnh lặng, và phạm chính điều cấm kỵ của riêng mình. Đó là vì con người yếu đuối. Lâu lâu trượt chân. Nhưng ít ra là trong tiêu chuẩn sống, ta phải hiểu rõ chuẩn của ta là gì).
Tĩnh lặng vô điều kiện.
Từ đó ta có tình yêu vô điều kiện.
Nhưng tĩnh lặng vô điều kiện để làm gì? Yêu vô điều kiện để làm gì? Sao không sống như mọi người khác?
Ờ, vậy sao? Thế học võ để làm gì, sao không sống như mọi người khác?
Nếu bạn đọc ĐCN mà không thực tập, như người đọc sách võ mà không tập võ, thì sao lại phải tốn thì giờ đọc làm gì?
Vấn đề lớn của rất nhiều người trên thế giới là đọc rất nhiều, “kiến thức” một đầu, nhưng không thực tập gì cả. Như người đọc sách đánh tennis, rồi bàn chuyện tennis, mà chẳng tập tennis bao giờ!
Tại sao?
Đọt Chuối Non không phải là phòng đọc, mà là phòng tập đó. :-)
Chúc các bạn một ngày vui.
Mến,
Hoành
© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Kỳ thị và sự tổn thương trong tái hòa nhập

Tổng quan: Điều gì dẫn đến việc dễ bị tổn thương cho một người hay một cộng đồng trước nạn buôn người? Nhận định chung thường cho rằng nghèo khó và thất học là những yếu tố cơ bản, tuy nhiên, các bằng chứng  lại thường cho thấy nguyên nhân là những nhân tố khác. Các địa phuơng khác nhau sẽ có những nhân tố làm tăng nguy cơ bị buôn bán khác nhau.Chương trình dựa trên bằng chứng yêu cầu một hiểu biết về các yếu tố dễ tổ thương đã được xác định thông qua các nghiên cứu được thực hiện với các cá nhân và các cộng đồng có nguy cơ nhằm đưa ra các can thiệp thích hợp và tạo được ảnh hưởng tích cực trong phòng ngừa nạn buôn người và di cư nguy cơ cao.

Rất nhiều chương trình can thiệp trong phòng chống buôn bán người có nhận định chung rằng cho dù hoàn cảnh địa phương có thế nào thì các yếu tố dễ bị tổn thương là nghèo khó và sự thiếu hiểu biết về nạn buôn người. Do đó, các can thiệp trong phòng chống buôn bán người thường triển khai cùng với các chương trình xoá đói giảm nghèo và nâng cao nhận thức mà không điều tra các nhân tố chính dẫn đến nạn buôn người ở các địa phương này là do thu nhập của các hộ gia đình hay sự thiếu hiểu biết về buôn bán người và di cư an toàn. Có rất nhiều nghiên cứu thực hiện ở nhiều khu vực ở Châu Á đã cho rằng nghèo khó, thất học và thiếu hiểu biết về nạn buôn bán người không phải lúc nào cũng là những yếu tố dễ bị tổn thương chính. Do đó, chúng ta phải rất cẩn trọng trong việc đưa ra nhận định để tránh cho các can thiệp đi sai hướng.

Cho tới nay, ảnh hưởng của hầu hết các chương trình phòng chống và giảm thiểu nạn buôn người còn thấp và/hoặc khó đánh giá và chỉ có một số ngoại lệ đơn lẻ. Trong thực tế, các cố gắng nhằm đánh giá ảnh hưởng thực của các chương trình can thiệp trong phòng chống buôn bán người còn rất ít.  Rõ ràng rằng dân cư nhiều vùng có đủ hiểu biết về nguy cơ của nạn buôn người vẫn được cho là nhóm có nguy cơ cao; và hàng năm có hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người trong số đó bị buôn bán. Rõ ràng là các nhân tố mang tính địa phương rất phức tạp và không chỉ dừng lại ở nguyên nhân nghèo đói hay thiếu hiểu biết và có sự liên hệ rõ ràng với hiệu quả của các chương trình xoá đói giảm nghèo, học bổng, nâng cao nhận thức, cơ hội nghề nghiệp và các can thiệp phòng ngừa liên quan.

UNIAP sử dụng phương pháp tiếp cận từng bước và toàn diện nhằm nâng cao hiểu biết về các nhân tố dễ bị tổn thương. Sự lồng ghép công tác xác định yếu tố dễ bị tổn thương vào các biện pháp can thiệp nhằm phòng ngừa buôn bán người hiệu quả bao gồm 3 giai đoạn.  Hai giai đoạn nghiên cứu được nối tiếp bằng các biện pháp can thiệp phù hợp dựa trên các kết quả thu được từ chính những nghiên cứu trên. Tài liệu này đưa
ra một cái nhìn tổng quan về các giai đoạn xác định yếu tố dễ bị tổn thương, bằng nhiều tài liệu và văn bản có sẵn theo yêu cầu hơn.

Giai đoạn I là giai đoạn lập kế hoạch và xác định mục tiêu, với mục đích xác định các nhân tố về môi trường, kinh tế xã hội và cá thể góp phần làm tăng nguy cơ bị buôn bán. Phần lớn các mục tiêu có thể đạt được thông qua các nghiên cứu thực địa và việc phân tích dữ liệu lần hai.
Giai đoạn II kết hợp những thảo luận nhóm tập trung trên cơ sở cộng đồng với các nghiên cứu tại điểm nóng để xác định những nhân tố thực sự ảnh hưởng tới tính dễ bị tổn thương, và các nhóm dân cư có nguy cơ cao
nhất. Các nhóm tập trung tại những vùng trọng điểm có thể tập hợp các quan điểm về các yếu tố nguy cơ của nhiều thành viên khác nhau trong cộng đồng. Phương pháp này khá nhanh và dễ dàng, đồng thời tận dụng được nhiều người có uy tín trong cộng đồng đứng ra chủ trì các buổi đàm thoại của các nhóm và thu thập thông tin so sánh giữa các nhóm. Các nhóm trọng điểm bắt đầu các cuộc đối thoại và thu thập dữ liệu tại cộng
đồng nơi được coi là nhạy cảm để tiến hành điều tra trực tiếp về buôn bán người. Thậm chí không sử dụng thuật ngữ “buôn bán người”, các nhóm trọng điểm có thể đóng vai trò như một sân ga thảo luận để khuyến khích người dân cùng nhau suy nghĩ và bàn luận về việc di cư có thể dẫn đến những hậu quả như thế nào, những người trẻ tuổi hoặc cha mẹ có thể bị lừa bằng cách nào, công việc và các cơ hội nghề nghiệp nào hấp dẫn, làm thế nào để kiểm tra các cơ hội quá dễ dàng; và, cộng đồng có thể phân tích tình trạng của mình như thế nào và làm sao để cộng đồng đóng vai trò nổi bật trong việc đưa ra các giải pháp.

Dữ liệu thu thập được từ những khảo sát về các nhóm trọng điểm được sử dụng để  xác  định  biến  số  có  thể  xuất  hiện  trong các  khảo  sát định  lượng  tại  các điểm nóng. Vừa có vai  trò nâng cao nhận  thức với mục  tiêu giảm  thiểu yếu  tố dễ bị  tổn  thương, các khảo sát định  lượng còn cung cấp cái nhìn sâu hơn về
những hành động và quá trình ra quyết định thực sự có thể không được bộc lộ trong  các  buổi  thảo  luận  của  các  nhóm  tập  trung  (những  buổi  thảo  luận  này thường tập trung vào các quan niệm và tập quán phổ biến). Do đó, những khảo sát  số  lượng  tại  các  điểm  nóng  không  phản  ánh  những  gì  người  dân  nói hay những gì người dân nghĩ mà phản ánh những điều thực tế đang diễn ra.

Những khảo sát  tại các điểm nóng bao gồm cả các phỏng vấn sâu một  trường hợp trong nhóm mục tiêu tại địa bàn, phân thành 2 nhóm: nhóm những người đã từng bị buôn bán hoặc bị bóc lột và nhóm những người. Sau đó thu thập thông tin  về  gia  đình,  hộ  cá  thể,  cộng đồng  khác nhau  đối  với mỗi  trường  hợp mẫu
thông qua các phỏng vấn sâu, so sánh kết quả phỏng vấn của 2 nhóm để xác định nhân tố nào đóng vai trò quyết định dẫn đến các trường hợp bị buôn bán và bị bóc lột.
Giai đoạn III là giai đoạn bổ sung và đưa ra các can thiệp, giai đoạn này áp dụng những  bài  học  từ  kết  quả  nghiên  cứu  giai  đoạn  I  và  II  để  trực  tiếp  đưa  vào chương  trình chống BBN. Bảng ở cuối phần này  liệt kê mẫu minh hoạ một số nhân  tố dễ bị  tổn  thương phổ biến hơn,  thường có  tại khu vực  tiểu vùng sông Mêkông, cùng với những ví dụ về các loại hình can thiệp rộng rãi có thể ít nhiều thành công trong việc giảm thiểu nhân tố dễ bị tổn thương đã nêu. Khi xem xét bảng này điều cần cân nhắc là  trong nhiều môi  trường có sự diễn ra đồng  thời của một  số  nhân  tố  để  tạo  ra  dễ  bị  tổn  thương  –  và  điều  này  cũng  cũng  cần được xem xét khi phác thảo các biện pháp can thiệp thích hợp. 

Tóm lại, mục tiêu tổng quát của phương pháp tiếp cận mục tiêu mang tính dễ bị tổn  thương  là  (i)  nhằm  xác  định  và  thâm  nhập  vào một  điểm  nóng  tại  cộng đồng;(ii) nhằm hướng người dân suy nghĩ và nói về vấn đề có ảnh hưởng tới họ; (iii) và giúp họ  tham gia vào quá  trình phân  tích và phác  thảo những giải pháp
cho cộng đồng mình. Đồng thời phương pháp này cũng giúp cộng đồng và công nhân ở những nước đang phát triển hiểu hơn về những nhân tố nguy cơ thực sự (chứ không chỉ là nhận thức) để có được một bản thiết kế phong phú về các biện pháp phòng ngừa buôn bán người   và các chương  trình giảm  thiểu nguy cơ bị
tổn thương hiệu quả hơn. 
 Theo UNIAP SIREN